News
ANTD.VN - Mới đây, các nhà khoa học Mỹ đã tìm ra chất chitin có trong vỏ tôm, cua kết hợp với cellulose từ thực vật tạo ra một chất liệu có đặc tính bền, dẻo, trong suốt và có khả năng phân hủy sinh học. Có thể đây là một trong những giải pháp khả thi trong việc tìm ra vật liệu mới thay thế cho vật liệu truyền thống thường sử dụng để sản xuất túi nilon, chai nhựa.
Ăn tôm, cua đừng bỏ phí vỏ
Đây có thể là lời khuyên nghe có vẻ nực cười, tuy nhiên đối với các nhà khoa học Mỹ tại Học viện Công nghệ Georgia, được dẫn đầu bởi Tiến sĩ J. Carson Meredith, thì lời khuyên này thực sự có giá trị. Bởi theo đó, những vỏ tôm, cua, một số loại nấm hay côn trùng đã cho họ thấy được giá trị thực trong việc tìm ra giải pháp mới trong công cuộc bảo vệ môi trường chung.
Từ những loài động vật giáp xác như tôm, cua các nhà khoa học Mỹ đã phát hiện ra chất chitin, rồi kết hợp với vỏ thực vật chứa nhiều cellulose để có được chất nhựa tổng hợp từ 2 loại vật liệu này. Qua đó, nhóm các nhà khoa học khẳng định có thể thay thế toàn bộ túi nilon từ nhựa PET như hiện nay thành những loại túi có thể phân hủy được dễ dàng trong môi trường tự nhiên sau khi đã được sử dụng.
Ngoài ra, khi so sánh với các tính chất khác của loại vật liệu nhựa PET - loại nhựa dẻo công nghiệp thường được dùng để sản xuất bao bì, túi nilon, chai, lọ, hộp đựng đồ ăn… thì chất liệu mới này có khả năng chống thấm khí tốt hơn nên việc bảo quản đồ ăn sẽ được lâu hơn. “Chất liệu mà chúng tôi tạo ra cho thấy nó có khả năng chống thấm khí ô xy tốt hơn khoảng 67% so với chất liệu nhựa PET, vì vậy trên lý thuyết thì chất liệu này có thể giữ được vị tươi ngon của thực phẩm lâu hơn”, Tiến sĩ Meredith nói.
Vật liệu từ nông sản thay thế đồ nhựa
Theo ước tính của các nhà hoạt động môi trường, hàng năm có ít nhất khoảng 8 triệu tấn rác thải nhựa trôi vào các đại dương, tương đương với việc cứ mỗi phút có 1 thùng rác thải nhựa đổ vào đây. Điều này ảnh hưởng không hề nhỏ không chỉ tới môi trường biển mà còn cả đời sống của những người dân biển. Việc tạo ra bất kỳ sản phẩm nào có thể thay thế được túi nilon, đồ nhựa thì có nghĩa đã được người dân toàn cầu ghi nhận công lao của họ đóng góp cho bảo vệ môi trường.
Ví dụ, để giảm tải việc chúng ta sử dụng quá nhiều ống hút bằng nhựa, một công ty khởi nghiệp ở Đức bao gồm các sinh viên ngành công nghệ thực phẩm đã tạo ra những chiếc ống hút từ các phụ phẩm thừa là bã táo. Hay như nam thanh niên người Indonesia Kevin Kumala - người sáng lập ra công ty Avani Eco Power, đã tạo ra chiếc túi có khả năng phân hủy 100% ở trong nước được làm từ vỏ củ sắn (củ khoai mỳ). Cũng cùng ý tưởng với Kumala, các nhà khoa học Ai Cập cũng đã lấy vỏ tôm để làm ra những chiếc túi thay thế túi nilon hiện nay.
Một nhân vật được coi như nhà khoa học của Ấn Độ là ông Narayana Peesapathy đã tạo ra sản phẩm thay thế thìa nhựa dùng 1 lần từ cao lương trộn với gạo và lúa mỳ. Loại thìa đặc biệt này của ông Peesapathy không chứa chất bảo quản, hóa chất, chất béo, chất nhũ hóa hay màu nhân tạo nên rất an toàn.
Ngoài ra, cũng phải kể đến sản phẩm độc đáo của Ari Jonsson (người Iceland), đã làm ra chiếc bình bằng 1 loại thạch dẻo có nguồn gốc từ tảo, khi hết nước chiếc bình teo nhỏ lại, có thể vứt bỏ vào thùng rác để nó tự phân hủy, hoặc thậm chí người dùng có thể ăn được nó.
Tuy đã có nhiều đóng góp của các nhà khoa học trong việc bảo vệ môi trường hành tinh xanh của chúng ta, nhưng công việc của họ vẫn chưa dừng ở đó. Hy vọng, trong tương lai vẫn sẽ tiếp tục có nhiều phát minh sáng tạo hơn nữa vì môi trường, cuộc sống và sức khỏe của chính chúng ta.
Theo vpas.vn