News
Nguồn nguyên liệu trong ngành nhựa: Hướng đến giảm dần tỷ lệ phụ thuộc
Nguồn nguyên liệu trong ngành nhựa: Hướng đến giảm dần tỷ lệ phụ thuộc
Là một trong những ngành có sự phát triển vượt bậc trong vài năm gần đây nhưng ngành nhựa Việt vẫn phải đối mặt với bài toán khó khi chúng ta vẫn phải nhập khẩu gần 80% nguồn nguyên liệu. Tỷ lệ này đang được kỳ vọng sẽ giảm dần với sự nỗ lực của các doanh nghiệp Việt.
Chỉ mới đáp ứng hơn 20% nhu cầu
Nhận định về sự phát triển ngành nhựa, báo cáo tổng quan ngành nhựa 2016 của Công ty Cổ phần chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho hay, ngành nhựa Việt Nam còn khá non trẻ so với các ngành công nghiệp khác nhưng đã có sự phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, với tốc độ tăng trưởng trung bình 15-18%/năm.
Theo đó, nhu cầu của thị trường trong nước cũng như thế giới đối với các sản phẩm nhựa ngày càng tăng cao. Riêng thị trường nội địa, với 93 triệu dân trong đó gần 50% dân số trẻ là thị trường đầy tiềm năng cho việc cung ứng các sản phẩm từ nhựa.
Tuy nhiên, cùng với cơ hội phát triển, áp lực về nguồn nguyên liệu cũng ngày càng lớn khi phần lớn nguyên liệu nhựa phải nhập khẩu. Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), tính đến năm 2016, mỗi năm ngành nhựa Việt Nam có nhu cầu khoảng 5 triệu tấn nguyên liệu nhựa và hàng trăm loại phụ gia, trong khi nguồn nguyên liệu nhựa sản xuất trong nước chỉ cung cấp được khoảng 900.000 tấn nguyên liệu/năm.
Nhập khẩu nguyên liệu nhựa năm 2016.
Như vậy, hiện tại tổng sản lượng nhựa nguyên liệu sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu. Thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam bao gồm: Ả rập Xê út, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ… Các sản phẩm nhập khẩu chính là PE, PP và PVC… chi phí nguyên liệu chiếm 70-80% giá thành sản phẩm nên việc biến động tỷ giá đang ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Việc chủ yếu phải nhập khẩu nguyên liệu nhựa, khiến ngành nhựa Việt khá “nhạy cảm” với biến động giá nguyên liệu nhựa trên thế giới và khu vực. Đồng thời, việc thanh toán chủ yếu bằng đồng USD, EURO khiến việc tỷ giá biến động cũng tác động không nhỏ tới chi phí đầu vào của các công ty nhựa trong nước.
Điều này dẫn đến việc không những giá thành sản phẩm kém cạnh tranh, ngành nhựa còn đối mặt với thực trạng nhập siêu nguyên liệu, gây trở ngại rất lớn cho sự tăng trưởng bền vững của ngành nhựa Việt Nam.
Cơ hội cho ngành công nghiệp phụ trợ phát triển
Theo Hiệp hội nhựa Việt Nam (VPA), những năm gần đây, các doanh nghiệp trong nước đã nỗ lực hơn để tham gia vào ngành công nghiệp phụ trợ đầy tiềm năng này. Ngành công nghiệp tái chế nhựa đang được khuyến khích đẩy mạnh với rất nhiều doanh nghiệp tham gia, dù chưa có con số thống kê chính xác về số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhựa tái chế, tuy nhiên, ước tính trong tương lai gần, lĩnh vực nhựa tái chế có thể đáp ứng khoảng 20-30% nguồn nguyên liệu sản xuất cho ngành nhựa.
Đối với nhựa PVC, PET, hiện có hai doanh nghiệp sản xuất với năng lực 300.000 tấn/năm. Với nguyên liệu nhựa PP, nhà máy hóa dầu tại Dung Quất (Quảng Ngãi) sản xuất 150.000 tấn/năm. Hiện nay, các nhà máy hóa dầu đang trong quá trình phát triển, nguồn cung nguyên liệu cũng theo đó đang dần được tăng lên.
Với hạt nhựa phụ gia, hiện CTCP Nhựa và Khoáng sản An Phát Yên Bái (Anphat Mineral) đang tích cực đẩy mạnh sản xuất. Anphat Mineral được thành lập từ năm 2009, là công ty thành viên của CTCP Nhựa và Môi trường Xanh An Phát (mã chứng khoán: AAA), chuyên kinh doanh hạt nhựa nguyên sinh (PP, PE) và sản xuất hạt nhựa phụ gia CaCO3.
Ông Vũ Thanh Bình - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Anphat Mineral, cho biết: “Hạt nhựa phụ gia CaCO3 được ứng dụng rất lớn trong các sản phẩm của ngành nhựa. Nhà máy sản xuất hạt phụ gia CaCO3 của Anphat Mineral đã được nâng cấp để tăng công suất lên 100.000 tấn/năm từ giữa năm 2016. Hiện, công ty đang tích cực hoàn thiện đưa vào vận hành dự án nhà máy sản xuất bột đá CaCO3 công suất 222.000 tấn/năm để tự chủ được nguồn nguyên liệu đầu vào với giá thành rẻ hơn, phục vụ sản xuất hạt nhựa CaCO3.”
Theo dự báo, tiềm năng tăng trưởng ngành nhựa còn khá lớn do nhu cầu sử dụng các sản phẩm nhựa của Việt Nam còn thấp so với khu vực và thế giới. Đồng thời, Nhà nước cũng đã có chính sách phát triển ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ cho ngành nhựa, và định hướng đến năm 2020 nhập khẩu nguyên liệu của ngành chỉ còn khoảng 50%. Đây là thách thức đồng thời cũng là cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp tập trung đầu tư vào lĩnh vực đầy tiềm năng này.
Theo vpas.vn