“Điểm mặt” thách thức xuất khẩu ngành hàng chủ lực

 
 

“Điểm mặt” thách thức xuất khẩu ngành hàng chủ lực

 

(HQ Online)- XK hàng hóa năm 2018 đã đi được hơn 1/3 chặng đường. Từ nay tới hết năm, các ngành hàng XK chủ lực, được ưu tiên đẩy mạnh XK của Việt Nam được nhận định phải đối diện với không ít khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực lớn để “về đích” đúng kế hoạch.

XK thép đã và đang phải chịu sự cạnh tranh gay gắt. Ảnh: Nguyễn Thanh.

Hàng công nghiệp bị cạnh tranh gay gắt

Thép là một trong những mặt hàng công nghiệp XK chủ lực phải đối diện nhiều khó khăn. Theo Cục XNK (Bộ Công Thương), so với các năm 2016, 2017, năm nay giá nguyên liệu thép NK có xu hướng tăng nhanh và mạnh hơn, tạo áp lực đối với mức tăng trưởng kim ngạch NK mặc dù lượng NK thép đã giảm. Đáng chú ý, thép Việt Nam XK bị cạnh tranh gay gắt bởi sản phẩm thép từ một số quốc gia, đặc biệt từ Trung Quốc. Sản lượng thép của Trung Quốc tăng hơn 12 lần trong 25 năm, đạt 803,83 triệu tấn trong năm 2015, trong khi nhu cầu thép của nước này chỉ khoảng 672 triệu tấn. Với lượng dư cung thép quá lớn, Trung Quốc đặt nhiều nước sản xuất thép ở thế cạnh tranh gay gắt. Bên cạnh đó, thép còn là ngành phải đối mặt nhiều nhất với các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp từ các nước NK và hiện bị áp thuế chống bán phá giá và các biện pháp trợ cấp, tự vệ từ nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia, Thái Lan, Indonesia. Thực tế này khiến XK thép của Việt Nam sang một số nước gặp nhiều khó khăn.

Đối với mặt hàng gỗ, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục XNK cho hay: XK gỗ và sản phẩm từ gỗ thời gian qua tiếp tục phải đối mặt với sự cạnh tranh của các nước ASEAN trong việc tăng cường đầu tư công nghệ tiên tiến để chế biến gỗ cũng như về giá cả, mẫu mã, chất lượng... Bên cạnh đó, các nước NK có xu hướng gia tăng bảo hộ sản xuất trong nước thông qua các rào cản phi thuế quan, đặc biệt là vấn đề đảm bảo nguồn gốc gỗ hợp pháp đối với nguồn nguyên liệu gỗ NK cũng gây thêm khó khăn cho ngành hàng.

Nói tới các mặt hàng công nghiệp XK chủ lực sẽ là thiếu sót nếu không đề cập tới các ngành da giày, dệt may. Việt Nam đang là nước sản xuất giày dép đứng thứ 3 châu Á (sau Trung Quốc và Ấn Độ), đứng thứ 4 thế giới và là nước đứng thứ 2 về XK giày sau Trung Quốc. Dệt may cũng không chịu thua kém khi các sản phẩm đã được XK sang 180 quốc gia, chủ yếu tập trung vào 5 thị trường chủ lực là Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Tuy nhiên, điểm đặt ra nhiều băn khoăn trong XK da giày, dệt may vẫn là phụ thuộc nhiều vào các DN FDI. Đơn cử như trong ngành dệt may, mặc dù tỷ trọng về số lượng DN của khối FDI trong tổng số DN ngành dệt may giảm dần nhưng tỷ trọng kim ngạch XK của khối này hầu như không có sự thay đổi từ năm 2010 đến nay, chiếm 57,8% kim ngạch XK cả nước năm 2017 (đạt 18,4 tỷ USD).

Đề cập tới câu chuyện của ngành dệt may, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho hay: Năm 2018 và những năm tiếp theo, ngành dệt may đối diện với nhiều thách thức cả từ bên trong lẫn bên ngoài. Cụ thể, thách thức từ nội bộ ngành là sự phát triển mất cân đối. Hiện nay, Việt Nam sản xuất sợi khoảng trên 1,4 triệu tấn/năm và 90% XK. Tuy nhiên, Việt Nam lại NK sợi khá lớn. Nguồn vải may phục vụ XK cũng chủ yếu NK, chiếm trên 80% nhu cầu, tạo ra tình trạng “nghẽn” tại khâu dệt nhuộm. “Thách thức từ bên ngoài điển hình phải kể tới là các Hiệp định thương mại tự do (FTA) phần lớn áp dụng quy tắc xuất xứ, trong khi dệt may Việt Nam NK đến 80% nguyên phụ liệu”, ông Cẩm nói.

Nông, thủy sản lo xu hướng bảo hộ

Bên cạnh các mặt hàng công nghiệp XK, nhóm hàng nông, thủy sản đang có nhiều điều kiện thúc đẩy XK, dự kiến sẽ ngày càng đóng góp nhiều hơn vào kim ngạch XK hàng hóa nói chung. Năm 2018, với các thị trường XK lớn lần lượt là Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ, ASEAN, Nhật Bản và Hàn Quốc, toàn ngành đặt mục tiêu phấn đấu XK nông, lâm, thủy sản đạt con số 40-40,5 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo ông Trần Thanh Hải, trước mắt XK nhóm hàng này vẫn phải đối diện với nhiều thách thức, điển hình là xu hướng bảo hộ nông nghiệp thông qua việc thiết lập các hàng rào kỹ thuật và phòng vệ thương mại tại các nước ngày càng phổ biến. Thậm chí, có nước còn bảo hộ thông qua các biện pháp vi phạm cam kết của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) như trường hợp Ấn Độ áp mức giá tối thiểu đối với tiêu NK vào nước này. Ngoài ra, mức độ đa dạng hóa thị trường XK của các mặt hàng thuộc nhóm nông sản, thuỷ sản chưa cao, phụ thuộc nhiều vào các thị trường khu vực châu Á (chiếm 52,7%), trong đó, một số mặt hàng phụ thuộc lớn vào một thị trường (sắn, cao su, thanh long,...).

“Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đối với nông sản, thủy sản chưa được cải thiện, dẫn đến nhiều vụ việc sản phẩm XK bị trả về (thủy sản, tiêu, gạo), ảnh hưởng tới hình ảnh, thương hiệu hàng Việt Nam. Bên cạnh đó, công tác phát triển thị trường đã làm tốt khâu đàm phán cắt giảm thuế NK thông qua đàm phán, ký kết và triển khai thực hiện các FTA song phương và đa phương, song đàm phán công nhận về hệ thống quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của nhau còn hạn chế. Do vậy, nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản có mức thuế suất 0%, tuy nhiên chưa tiếp cận được thị trường, chưa được cho phép chính thức NK”, ông Hải nói.

Tận dụng tốt cơ hội từ FTA

Để phần nào khắc phục những khó khăn, thúc đẩy XK nhằm đạt mục tiêu đề ra trong năm 2018 cũng như tạo tiền đề tốt hơn cho XK những năm tiếp theo, giải pháp quan trọng là cố gắng tận dụng tốt nhất có thể cơ hội XK từ các FTA mà Việt Nam đã ký kết hoặc đang đàm phán.

Liên quan tới vấn đề này, ông Hải cho biết: Thời gian tới, ngành Công Thương sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ việc tuyên truyền, thông tin, nâng cao nhận thức của cộng động DN về các FTA để tận dụng những lợi thế, đồng thời duy trì và nâng cao chất lượng tham vấn DN trong quá trình đàm phán ký kết/sửa đổi, nâng cấp các FTA. Bên cạnh đó, giải pháp quan trọng còn là đẩy mạnh phát triển sản xuất, tăng cường đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ, từng bước chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng XK, tạo nguồn hàng XK theo hướng bám sát các quy định về xuất xứ hàng hóa để tận dụng được cơ hội ưu đãi thuế quan, mở cửa thị trường mà các FTA mang lại; tiếp tục rà soát, đánh giá tác động của việc ký kết, thực thi các FTA đối với từng ngành để điều chỉnh chiến lược phát triển ngành cho phù hợp, xử lý nhanh nhạy, thông tin kịp thời đến cộng đồng DN các vấn đề cấp bách nảy sinh trong quá trình thực thi các cam kết…

Riêng với nhóm hàng nông, thủy sản, Bộ Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT và các đơn vị liên quan tiếp tục trao đổi với phía Hoa Kỳ để giải quyết tranh chấp, bảo vệ quyền lợi cho tôm, cá tra của Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ hiện bị áp các rào cản kỹ thuật và biện pháp phòng vệ thương mại; nghiên cứu việc liên kết với Ecuador, Ấn Độ trong đấu tranh cho vấn đề này. Bộ NN&PTNT báo cáo Thủ tướng Chính phủ có phương án thực hiện các biện pháp đáp trả đối với những biện pháp vô lý của các nước lên hàng XK của Việt Nam để bảo vệ quyền lợi chính đáng của DN.

Đại diện một số ngành hàng, DN kiến nghị, riêng về vấn đề liên quan đến tiền tệ, nhằm tạo thuận lợi cho DN XK nông, lâm, thủy sản, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần có chính sách cho phép chuyển tiền ra nước ngoài để DN tham gia thị trường quốc tế, đặc biệt là cà phê tham gia giao dịch thị trường kỳ hạn London được thuận lợi. Cùng với đó, Bộ Tài chính cần xem xét giảm thời gian hoàn thuế Giá trị gia tăng, giúp giảm chi phí cho DN…

 

Theo Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính): Trong tháng 4, tổng trị giá XNK của cả nước ước đạt 35,7 tỷ USD, giảm 10,8% so với tháng 3. Trong đó, trị giá XK ước đạt 18,2 tỷ USD, giảm 13,9% và trị giá NK ước đạt 17,5 tỷ USD, giảm 7,3%. Như vậy, tính hết tháng 4, tổng kim ngạch XNK ước đạt 144,13 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, XK ước đạt 73,76 tỷ USD, tăng 19% và NK ước đạt 70,37 tỷ USD, tăng 10,1%.

4 tháng qua, bình quân kim ngạch XNK cả nước đạt khoảng 36 tỷ USD/tháng. Đáng chú ý, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 4 tiếp tục thặng dư với con số ước tính 700 triệu USD. Qua đó, nâng mức xuất siêu của cả nước lên 3,39 tỷ USD, tính hết tháng 4.


Theo baohaiquan.vn


 
Chia sẻ bài viết: 

Tags:
hotline Zalo HCD Group Facebook HCD Group Twitter HCD Group Linkedin HCD Group Instagram HCD Group Youtube HCD Group