News
Trung Quốc bắt đầu đợt càn quét nhà máy thép kém chất lượng, thị trường thép sẽ tái cân bằng?
Trung Quốc bắt đầu đợt càn quét nhà máy thép kém chất lượng, thị trường thép sẽ tái cân bằng?
Từ tháng 7 đến tháng 9, Trung Quốc sẽ tiến hành cuộc điều tra chất lượng thép xây dựng và thép được dùng để sản xuất máy móc. Động thái này là một phần nằm trong nỗ lực đóng cửa các nhà máy sản xuất thép kém chất lượng.
Hồi đầu năm nay, quốc gia tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới cho biết đến cuối tháng 6 sẽ tiến hành cắt giảm toàn bộ sản lượng của các nhà máy thép kém chất lượng gây ô nhiễm môi trường do sử dụng các lò đốt cỡ nhỏ và lỗi thời.
Cơ quan giám sát chất lượng của Trung Quốc cuối tuần trước cho biết họ sẽ yêu cầu các cơ quan chức năng thành lập các đội kiểm tra và chọn ngẫu nhiên 100 nhà máy thép để kiểm tra chất lượng sản phẩm của họ.
Tổng cục Giám sát và Kiểm tra Chất lượng và Kiểm dịch cho biết đối với các nhà máy bị phát hiện sản xuất thép chất lượng thấp có thể sẽ bị tước giấy phép sản xuất nếu họ không cải thiện chất lượng sản phẩm của mình trong một khoảng thời gian nhất định.
Kết quả cuộc điều tra sẽ được đưa ra trong tháng 8 tới.
Hồi tháng 3, chính quyền Trung Quốc tuyên bố sẽ mạnh tay đóng cửa các nhà máy thép "xác sống" hoạt động kém hiệu quả, đặc biệt là tỉnh Hà Bắc, nơi được mệnh danh là "thủ phủ" các nhà máy sản xuất thép. Tỉnh này tuyên bố đóng cửa những nhà máy "xác sống" cuối cùng, đánh dấu chiến thắng tiếp theo của thành phố trong nỗ lực làm sạch môi trường.
Đồng thời, động thái này giúp chính quyền giải quyết vấn đề nhức nhối vốn tồn tại bao lâu trong ngành thép đó chính là thừa sản lượng.
Thép của Trung Quốc chiếm tới một nửa sản lượng thép của toàn thế giới. Tuy nhiên, chính vì quy mô khai thác và sản xuất thép quá lớn nên quốc gia này đang phải đối mặt tình trạng thừa thép gấp 4 lần sản lượng khai thác của Mỹ.
Riêng tỉnh Hà Bắc đã có tới 104 nhà máy chiếm 1/4 sản lượng khai thác của toàn Trung Quốc. Tỉnh này đã cam kết cắt giảm sản lượng tới 31,17 triệu tấn đến hết năm 2017 và 49,13 triệu tấn vào năm 2020. Để thực hiện mục tiêu này, chính quyền địa phương đã lên kế hoạch đóng cửa toàn bộ nhà máy thép tại thành phố Langfang và Zhangjiakou.
Trước đó, Chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ cắt giảm hơn nửa triệu lao động ngành công nghiệp nặng này trong năm nay. Bộ trưởng Nguồn nhân lực Trung Quốc Yin Weimin cho biết năm ngoái đã cắt giảm 760.000 lao động ngành thép và than.
Tất cả những động thái cắt giảm trên của Trung Quốc là một phần nằm trong kế hoạch sa thải hơn 1,8 triệu công nhân trong ngành khai thác than và luyện thép nhằm giải quyết tình trạng thừa sản lượng ở những ngành này. Ông Yin cho biết chính phủ đã chi hàng tỷ USD để giải quyết việc làm cho những công nhân bị sa thải.
Thị trường thép được tái cân bằng trở lại?
Trung Quốc từng bị chỉ trích là bán phá giá thép trên thị trường nhằm "đàn áp" các đối thủ khác. Mỹ và EU liên tục lên tiếng phản đối điều này, thậm chí còn áp dụng mức thuế đặc biệt đối với thép nhập khẩu từ quốc gia này.
Tuy nhiên, theo giám đốc công ty sản xuất thép tái chế lớn nhất Nhật Bản nhận định, các nhà máy thép toàn cầu không nên quá lo ngại về khả năng lượng thép xuất khẩu của Trung Quốc sẽ phá vỡ giá trên thị trường- điều đã từng xảy ra vào năm 2015.
Theo ông Kiyoshi Imamura đến từ công ty Tokyo Steel Manufacturing Co., nhu cầu thép nội địa ở Trung Quốc tăng cao kèm theo đó công suất sản xuất thép bị cắt giảm sẽ giúp thị trường được cân bằng.
Ông còn cho biết thêm, quốc gia này đang tăng cường xây đường bộ, đường sắt, kho chứa hàng cùng lúc đó đóng cửa các nhà máy thép hoạt động kém hiệu quả hoặc trái pháp luật.
"Trung Quốc sẽ không làm mất cân bằng giữa cung và cầu thép của thị trường, ít nhất là trong năm nay. Tôi tự tin khẳng định rằng giá thép sẽ không quay trở lại mức cũ gây ra bởi sản lượng thép Trung Quốc bị thừa", ông Imamura cho biết.
Trở lại năm 2015, giá thép cuộn trượt dốc tới 33% do xuất khẩu thép Trung Quốc tăng mạnh, lên mức kỷ lục 112 triệu tấn.
Việc xuất khẩu tràn lan khiến thị trường thép trên toàn thế giới bị tổn thương nghiêm trọng. Vấn đề này thậm chí được được ra trong cuộc họp của nhóm các nền kinh tế lớn G20 dẫn đến việc thành lập một tổ chức chuyên giải quyết việc công suất sản xuất thép bị thừa.
Theo ndh.vn